Noidung.vn

Kinh nghiệm du lịch tự túc Châu Âu bằng phương tiện công cộng

Lần đầu tiên nhà mình đến EU là vào năm 2014. Lúc đó nghĩ rằng đi chỉ 1 lần để đời. Ai ngờ đi xong rồi yêu luôn, trở về nhớ da diết. Rồi gần như năm nào cũng phải quay lại thăm. Mùa dịch không được đi đâu, lạc vào nhóm Du lịch khám phá Châu Âu giống như gặp lại người yêu vậy.
Bài viết của mình cũng học các trang du lịch chia thành các phần:
1. Đi Châu Âu thời gian nào hay mùa nào?
Trả lời câu hỏi này cũng quyết định luôn bạn chọn đi nước nào nhé. Thực ra các công ty du lịch cũng đã lên nhiều cung đường cho mình rồi, cứ vậy phát triển thêm.
Châu Âu thì thời gian nào cũng đẹp, các bạn cứ thấy thuận tiện thì lên đường thôi. Ngay cả cuối tháng 11 trời xám xịt, cây cối rụng hết lá mà vẫn thấy đẹp. Nhà mình thường ưu tiên thời tiết mát mẻ, tránh lạnh quá (đem đồ lạnh tốn hành lý) hay nóng quá (đi bộ k nổi). Nhà mình cũng tránh mùa cao điểm, chi phí cao mà phải chen chúc, chụp 1 tấm hình phải canh cả nửa tiếng mà chụp xong k thấy mình đâu, toàn người là người.
TBN – BDN: nên đi tháng 3 và tháng 9 (mát mẻ, ít chen chúc)
Hà Lan: cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 5 (Keukenhof, tránh chen chúc, chi phí cao)
Pháp: tháng 8 (Lavender)
Ý: tránh xa mùa hè, đi tháng 11 còn thấy nóng.
Bắc Âu: tháng 8 đến tháng 10 (ngày dài, săn cực quang)
Hy Lạp: tháng 5 và tháng 9(tránh cao điểm, chi phí cao)
Anh: tháng 7-8(mát mẻ, hơn 10hpm trời còn sáng, dâu và cherry siêu ngon)
Đức – Áo – Thuỵ Sỹ – Tiệp – Hungary: tháng 9 – đầu tháng 12 (lá vàng và chợ Noel)
2. Du lịch Châu Âu ở đâu?
Bây giờ có vô vàn trang để book ks và nhà nghỉ. Nhưng vì sợ tình trạng mất cắp ở đây(bạn mình bị mất €2000 bỏ trong ví, quên mang xuống ăn sáng), nên nhà mình thường chọn ở ks thuộc tập đoàn Acor. Lý do chọn Acor vì hệ thống của họ có rất nhiều thương hiệu ks khắp EU từ bình dân đến cao cấp. Nhà mình chủ yếu ở Ibis, trong chuyến đi sẽ đặt 1 – 2 thành phố ở Novotel hay Mercure cho thoải mái. Thuận lợi là ks của họ luôn ở gần trạm xe bus hay ga tàu điện, và đa số nằm gần khu trung tâm, phố cổ. Dịch vụ tốt, phòng nhỏ gọn ấm áp, tiện ích vừa đủ. Chỉ khi nào k có Acor hoặc Acor quá mắc nhà mình mới đặt ks địa phương. Nhưng cũng chọn chuỗi có uy tín.
Ở Châu Âu thì khách sạn 2-3 sao vị trí đẹp giá cao hơn khách sạn 4-5 sao vị trí xa trung tâm. Nhưng du lịch lang thang ngoài đường cả ngày, tối chỉ đặt lưng ngủ. Đặt ks xa rẻ hơn chút nhưng thêm chi phí và thời gian di chuyển thì cũng k có lợi, buổi tối lại buồn nữa.
Đặt ks là công việc tốn thời gian nhất vì nó quyết định chất lượng chuyến đi của nhà mình.
Bước 1: Xem trên booking vì booking là trang duy nhất cho mình chọn vị trí (Vd: ks cách 500m từ ga trung tâm hoặc phố cổ). Chọn danh sách ks phù hợp
Bước 2: Xem hình ảnh và nhận xét trên TripAdvisor (trung thực, khách quan và chi tiết nhất). Bao nhiêu nhận xét, location đẹp k? có thang máy không? Có ồn không? Ăn sáng ngon không?(Đem cả mớ hành lý mà k có thang máy là tiêu, Ibis k có ai xách dùm cho mình đâu). Lọc lại danh sách đã chọn trên booking.
Bước 3: So sánh giá trên trang Acor, Agoda, Expedia và Traveloka. Đặt ks.
Nếu bạn k bị quá hạn chế về chi phí và bạn di chuyển bằng phương tiện công cộng thì nơi ở quyết định rất nhiều về sự thuận tiện để hưởng thụ chuyến du lịch của bạn. Nhà mình đặt Ibis ở Amsterdam nằm trong ga trung tâm luôn, mở cửa ra là thấy mình ở trong ga rồi. Hoặc Ibis ở Prague bước ra đường là khu Old Town, đi bộ vài bước là đến quảng trường Con Gà. Cảm giác thoải mái và thích vô cùng. Túm lại là nhà mình chưa bao giờ bị tổ trác cả, luôn hài lòng.
Nhà mình thường chọn 1 thành phố gọi là base đặt khách sạn ở đó rồi ban ngày tự đi hoặc đặt tour đi chơi thêm 1-2 thành phố khác gần đó. Như vậy tiết kiệm được thời gian và sức lực check in check out khách sạn. Đi dài ngày, trời lạnh phụ kiện nhiều, mỗi lần đóng gói hành lý khá mất công. Chẳng hạn ở Salzburg thì đi Hallstatt và Innsbruck, ở Seville thì đi Cordoba, ở Malaga đi tour Granada, ở Dusseldorf thì đi Bonn và Cologne, ở Lisbon thì đi Sitra và Fatima, ở Florence đi tour Tuscany, ở Bristol đi Bath và Wales
3.Di chuyển bằng phương tiện công cộng
Có mỗi cái tàu điện ngầm mà mỗi nước gọi một kiểu. Anh gọi là Tube biểu tượng là chữ Underground, Pháp gọi là Metro biểu tượng là chữ M màu vàng, Đức và Áo là U-bahn biểu tượng là chữ U, Ý cũng gọi là Metro biểu tượng là chữ M màu đỏ. Mình phải biết mấy cái biểu tượng này để tìm trạm lên xuống. Nhiều khi cái trạm kế bên mà đi tìm hoài luôn.
Châu Âu chỗ nào cũng đẹp mà càng la cà vào mấy chỗ hóc hẻm thì càng thấy đẹp. Nhà mình thích len lỏi trong mấy ngõ hẹp, dốc dốc lát đá, 2 bên là các cửa hàng lưu niệm, đồ handmade, quán kem, thỉnh thoảng lại có nhà thờ cổ nhỏ nhỏ. Nên tour Châu Âu mà 8-10 ngày thì đi chỉ phí tiền. Khi đặt phương tiện di chuyển, nhà mình phải chọn sao cho hành trình ngắn nhất, tiết kiệm thời gian nhất.
Giữa các nước nhà mình chọn đi tàu nhanh hoặc đi bus. Bus rẻ hơn nhiều nhưng chỉ khi nào không có tàu mới đi bus. Bus chậm mà thời gian ở Châu Âu là vàng bạc. Thà tốn tiền đi tàu nhanh chứ nhất định không ngồi bus cả ngày. Cứ hành trình nào từ 5-6h trở lên là nhà mình chọn đi tàu đêm. Giá tàu đêm khá cao nhưng bù lại thời gian và vé khách sạn thì tính ra vẫn tiết kiệm, lại được trải nghiệm ngủ trên tàu. Nhà mình rất ít di chuyển giữa các nước bằng máy bay vì hạn chế về hành lý và thời gian làm thủ tục, nhất là sau này khi các hãng siết chặt hành lý xách tay. Sau nhiều lần so sánh thì đi tàu vẫn thuận tiện hơn. Trên tàu có đầy đủ tiện nghi từ ổ cắm sạc, tai nghe, móc treo áo khoác và wifi trên tàu, ngồi được ghế 4 người quay vào nhau là thoải mái nhất.
Tàu đêm thì nhà mình đã đi từ Edinburgh về London, từ Vienna qua Venice, từ Budapest đến Prague, từ Florence đến Salzburg. Caledonian Sleeper của Anh xịn xò nhất. Tàu Budapest cũ nhất, còn bị biên cảnh lên kiểm tra nữa. Đi đủ toa 6, toa 4 và toa 2. Nhà mình cũng đi night ferry từ Valencia đến Mallorca, rất thích.
Đi là để trải nghiệm mà!
Ở Châu Âu nhà mình thường đặt qua trang trainline.com. Nhưng một số nước như TBN, BĐN và Italia thì p đặt trang của họ (renfe.com, acprail.com, italiatren.com, cp.pt) mới có chuyến. Nhiều khi vừa đặt vừa phải google dịch vừa google search. Tên các thành phố theo tiếng của họ khác hẳn, mình gõ tên tiếng Anh vào tìm hoài k ra. Hầu như các nước giá vé tăng giảm theo giờ cao điểm và thấp điểm, nhất là Anh.
Lưu ý khi đặt trên trainline nếu bạn tìm kiếm nhiều nhưng k đặt thì khi bạn vào lại chuyến đó giá sẽ cao hơn rất nhiều. Bạn nên chờ đến ngày mai vô mua lại giá sẽ trở lại như cũ. Đừng thấy giá tăng vội vàng book luôn là dính chiêu của họ.
Bus giữa các thành phố nhà mình mới đi Flixbus từ Albufeira qua Malaga, siêu ổn đến bất ngờ.
Trong thành phố có thể đi bộ, tram, tàu điện ngầm và bus. Nhà mình đi bus dễ bị xuống nhầm trạm hoặc bị qua trạm vì nhiều thành phố bus k có báo trạm dừng là trạm nào. Nhưng đi bus thì tham quan ngắm thành phố luôn, rẻ hơn đi hop on hop off. Lỡ qua trạm thì cứ xuống rồi đi lại. Nhà mình đi tàu điện ngầm chuyên gia lên nhầm hướng, vậy mà thấy vui lắm, chẳng lo lắng gì, cùng 1 line đi tới đi lui cả ngày k cần mua lại vé.
Các thành phố đều có vé pass ngày, tuần, tháng hoặc tập 10 vé. Czech thì vé tính theo giờ (12-24-36h). Mua vé này vừa tiện vừa tiết kiệm. Nhà mình thích nhất là Áo và Czech, k có ai soát vé cả. Nhiều lúc bị hết vé/hết giờ, tiền chưa kịp đổi mà đang ở middle of nowhere cũng leo lên xe về được downtown. Chỉ có ở Rome là khổ. 2018 họ k bán vé trên xe bus, chạy mấy cây số mới mua được vé bus rồi chạy trối chết vừa kịp chuyến cuối cùng. Paris thì soát vé RER siêu kỹ. Sau khi mua vé các bạn nhớ tìm máy kích hoạt vé trước khi sử dụng. Vé tàu điện ngầm từng lần khi scan qua cửa vô nhớ giữ lại để scan lần nữa ở cửa ra. Mình bỏ túi bị rơi mất và bị một chị cảnh sát da đen tuần tra phạt €50 oan uổng ở Paris. Vậy mà dân Paris vẫn phi qua cửa scan trốn vé hà rầm.
Đưa đón sân bay các bạn có thể chọn dịch vụ shared limousine pick up. Gọi limousine nghe oai chứ đó là dịch vụ xe họ đón nhiều hành khách chở ra sân bay, đúng giờ vô cùng, an toàn, nhanh và giá cả phải chăng. Được cái hành lý để thoải mái. Nhà mình đã sử dụng ở Rome và Czech. Anh tài xế ở Rome đẹp trai, nhanh nhẹn và nói nhiều nữa.
***Đặt phương tiện di chuyển giờ nào khá quan trọng nha. Đây là yếu tố thứ hai quyết định chất lượng chuyến du lịch của nhà mình. Lần đầu đi Châu Âu, nhà mình đặt giờ di chuyển sau giờ check out ks 1-2h. Sau đó phát hiện ra rằng vào ngày check out nhà mình k đi chơi đâu được cả. Vì sáng dậy ăn sáng trả phòng xong là muốn hết giờ. Lên tàu đi đến thành phố khác cũng chiều tối, check in và ăn tối xong là hết muốn đi đâu.
Các chuyến sau rút kinh nghiệm, nhà mình đặt giờ di chuyển vào buổi tối 7.30-8.30h. Ăn sáng và check out xong gửi hành lý ks, đi chơi đến chiều về lấy hành lý ra ga tàu ăn tối luôn. Sáng ngủ thoải mái, tận hưởng được nguyên ngày k bị rush. Nhờ vậy đi nhiều mà k thấy mệt. Đó cũng là 1 lý do nhà mình đặt ks gần ga tàu, ga trung tâm hoặc gần trạm airport bus càng tốt (đối với thành phố bay đi bay về). Đi ra ga tàu hay trạm bus nên dành ra vài tiếng trước giờ khởi hành. Vì nhiều ga tàu rất rộng, ở TBN còn soát vé và scan hành lý y như sân bay. Nhà mình cũng đã từng mất 1h đi vòng quanh ga Novella ở Florence chỉ vì Google maps tự dưng giở chứng chạy lung tung. Ở ga trung tâm, ra sớm bạn có thể shopping (hàng hiệu nha), ăn uống và sống ảo được luôn vì nhiều ga có kiến trúc rất đẹp và nghệ thuật.
** Khách sạn và di chuyển nên đặt trước 2 tháng nhé. Vé tàu đặt trễ có khi giá chênh lệch cả trăm EUR oan uổng.
4.Ăn gì và chơi đâu
Nhà mình sử dụng app Visit a City. Chọn thành phố nhà mình muốn đi app VaC sẽ cho mình lịch trình 1 ngày – 5 ngày bao gồm địa điểm cần đi, thời gian và bản đồ di chuyển đến các địa điểm, thời gian cần thiết tham quan ở 1 địa điểm, các tour và show trong thành phố và tour ở gần thành phố đó…Nhờ vậy, nhà mình cũng quyết định được nên ở thành phố này mấy ngày để lên lịch trình. Xem tour gợi ý rồi so sánh giá ở VaC với Klook, KKday và trang chủ của tour.
Mỗi chuyến thường đi nhiều thành phố, Châu Âu thì top attraction của các thành phố đều gần giống nhau là lâu đài, bảo tàng, nhà thờ, công viên. Nếu thành phố nào cũng đi hết mấy chỗ đó thì trùng lắp.
Nên chọn chỗ nào đỉnh nhất. Vd: xem bảo tàng Louvre của Paris rồi thì qua Amsterdam k đi bảo tàng nữa. Xem thuỷ cung ở Valencia rồi thì k xem thuỷ cung ở Barcelona nữa. Tuy nhiên phố cổ thì thành phố nào cũng mò tới, mê lắm.
Nhà mình chủ yếu chỉ lo chơi, ăn không quan trọng lắm. Có khi ăn sáng ở khách sạn thật no xong đi chơi cả ngày ăn lặt vặt, tối vô nhà hàng ăn ngon hoặc vô siêu thị mua thịt bò lát, trứng gà và rau xà lách mix rồi về ks nấu mì ăn liền hoặc phở ăn liền, ngon vô cùng. Nhà mình thường đem mì HQ, trời lạnh ăn đã lắm. Ở Châu Âu nhà mình nhất định phải đi siêu thị mua sữa tươi/sữa đậu nành/sữa dê, rau và trái cây tươi. Bạn không thể tìm ra nơi nào sữa có đường nhưng sữa béo và ngon lắm. Nhà mình cũng tìm hiểu các món đặc sản nhưng không phải món nào cũng vừa miệng. Nhớ lần đầu đến Ý, kêu phần cơm đặc sản của họ mà mình chỉ ăn được mỗi cục sò điệp ở trên, cơm vừa sống vừa nát. Chỉ có món beefsteak và kem là thành phố nào cũng tìm để thử. Beafsteak thích nhất là Tbone. Kem của TBN và Anh ngon k kém gì kem Ý. Trời càng lạnh ăn kem càng ngon.
Nguồn : Sưu tầm