Một nửa thế kỷ sau khi ra đời, kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng chỉ những năm gần đây mới thực sự trở thành đối tượng của sự nghiên cứu chuyên sâu, sự trao đổi ý kiến cởi mở, hào hứng, hứa hẹn nhiều nhận chân mới. Trước những năm 1990, hay là trước thời đổi mới, tác phẩm rất hàm súc và phức tạp này tất nhiên đã được nói đến không phải một lần, nhưng chủ yếu trong ngữ cảnh khảo cứu, giới thiệu hoặc sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, hoặc mảng sáng tác về đề tài lịch sử, hoặc sáng tác kịch của ông, với một thái độ dè dặt nhất quán, không làm nổi bật vị trí của nó trong di sản của nhà văn quá cố.
Hai sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức của công luận về kịch Vũ Như Tô: Hội thảo khoa học về Nguyễn Huy Tưởng tổ chức tại Viện Văn học tháng 5-1992 và vở diễn Vũ Như Tô lần đầu tiên do nhà hát Tuổi trẻ thực hiện trong hội diễn sân khấu toàn quốc 1995. Những tham luận tại hội thảo đề cập trực tiếp đến vở kịch, cũng như những bài viết xung quanh vở diễn (con số chung của chúng giờ đây đã lên đến hàng chục) gây ấn tượng một sự bỗng nhiên phát hiện ra một tác phẩm lớn của văn học nước nhà. Chiều sâu nội dung tầng tầng lớp lớp và sự hoàn chỉnh về hình thức nghệ thuật của tác phẩm đầu tay của một nhà văn chưa đầy 30 tuổi được ý thức với niềm khâm phục chính đáng. Nhiều ý kiến, luận điểm mới mẻ được phát biểu về hai vấn đề mấu chốt của tác phẩm: hình tượng nhân vật chính Vũ Như Tô và tính chất của mâu thuẫn kịch. Chúng ta chứng kiến một hiện tượng thú vị không phải lúc nào cũng thấy trong đời sống phê bình, học thuật: nhiều chủ kiến, quan điểm rất khác nhau về một tác phẩm và một nhân vật văn học, xem ra không loại trừ nhau mà bổ khuyết cho nhau một cách khá phức tạp trong nỗ lực chung tìm ra bí mật của cái tác động mạnh mẽ và sâu sắc, giàu sức gợi cảm, gợi nghĩ mà tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng đem đến cho mọi độc giả không có định kiến. Ta thấy hầu như lời phát biểu nào về Vũ Như Tô cũng hình như đụng đến một hay một vài khía cạnh nào đó của chân lý về tác phẩm này, mà không bao quát được toàn bộ chân lý ấy. Gần đây hơn cả, như để tiếp tục cuộc đối thoại có chiều lắng xuống về vở kịch, nhà nghiên cứu Ðỗ Ðức Hiểu cho in một chuyên luận khá dài Bi kịch Vũ Như Tô(1). Ðây rõ ràng là một trong những bài viết có giá trị nhất về trước tác này. Bằng phân tích thẩm mĩ khá tinh vi và tế nhị tác giả dẫn người đọc đến nhận thức về “ý nghĩa vĩnh cửu và toàn nhân loại” của câu chuyện bi thảm mà nhà văn Việt Nam Nguyễn Huy Tưởng kể bằng ngôn ngữ kịch bản. Chuyện ấy hay “huyền thoại” ấy theo tác giả, thâu tóm “bi kịch Cái vĩnh cửu/Cái nhất thời, Cái lý tưởng/Cái thực tiễn, Cái trường cửu/Cái lịch sử – hoặc như lời của Ðan Thiềm: Tài, Sắc và Lụy, một vấn đề muôn thuở của loài người”. “Bi kịch ngàn đời của nhân loại, cái Ðẹp cao cả và đẫm máu, đó là dư âm của Vũ Như Tô”. Về phương diện thể loại, tác giả xác định Vũ Như Tô là một tác phẩm bi kịch. “Với Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng sáng tạo một bi kịch hiện đại ở Việt Nam”. Kịch bản này “có cấu trúc lôgic, nghiêm ngặt của kịch cổ điển phương Tây”. Bài viết dành nhiều trang phân tích hình thức nghệ thuật của tác phẩm kịch, “tháo gỡ những mối quan hệ phức tạp của cấu trúc văn bản”, “giải mã các ký hiệu”, nhằm “phát hiện, đi sâu vào ý nghĩa chìm ẩn bên dưới kịch bản”, hay là “phần ngầm của tảng băng trôi”. […]
Trong bài viết này chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng Vũ Như Tô là tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực của Nguyễn Huy Tưởng. Nó đáp ứng đầy đủ và khá hoàn hảo mọi yêu cầu, mọi tiêu chí của một thể loại văn học mà mĩ học châu Âu xưa nay có lý do coi là thể loại cao quý nhất và khó nhất. Sáng tạo được những bi kịch thực thụ tức là sánh ngang với Eschyle, Sophocle, Shakespeare, Corneille, Racine – mơ ước của hàng trăm, hàng ngàn người viết kịch trên thế giới trong ba thế kỷ nay. Ðiều đó làm cho chúng ta thêm tự hào về thành công rực rỡ của nhà viết kịch Việt Nam Nguyễn Huy Tưởng. Nhưng điều thiết thực hơn là, theo nhận thức đinh ninh của chúng tôi, nhiều vấn đề cốt yếu còn để ngỏ, nhiều câu hỏi quan trọng về kịch Vũ Như Tô có thể sẽ tìm thấy giải đáp thỏa đáng, nếu ta tiếp cận với nó từ góc độ đặc trưng thể loại. Chúng tôi sẽ lần lượt đề cập đến một số bình diện cơ bản của bi kịch Vũ Như Tô như xung đột bi kịch, nhân vật bi kịch, tội lỗi bi kịch, hiệu ứng bi kịch và cuối cùng xin nói đôi lời về vị trí của tác phẩm này trong văn học thế kỷ XX.
I – Xung đột bi kịch
Kịch bản (có thể nói rộng hơn: văn bản nghệ thuật) trở thành tác phẩm bi kịch không phải mỗi khi nó kết thúc một cách bi thảm, mà khi nó được cấu kết trên cơ sở xung đột hay mâu thuẫn bi kịch. Hơn 24 thế kỷ trước đây, Euripide đã sáng tạo những bi kịch mẫu mực có cái kết hậu (Alceste là một thí dụ điển hình). Trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng ta thấy chỉ có Vũ Như Tô chứa đựng mâu thuẫn bi kịch như là một yếu tố nền của tác phẩm, còn những trước tác khác của ông viết trước cũng như sau Cách mạng, cả kịch bản lẫn tiểu thuyết (Bắc Sơn và Những người ở lại, Ðêm hội Long Trì và An Tư), mặc dù chúng có nội dung bi thương hay bi hùng, nhưng không kết cấu và triển khai trên cơ sở xung đột hay mâu thuẫn bi kịch, cho nên không thể gọi là những tác phẩm bi kịch theo nghĩa khoa học chặt chẽ của từ ấy. Mâu thuẫn bi kịch, như chúng ta biết, là mâu thuẫn: a) mang tính nội tại; b) có ý nghĩa xã hội to lớn; c) không thể giải quyết; d) mọi cách khắc phục mâu thuẫn đều dẫn đến sự diệt vong những giá trị quan trọng(2). Bây giờ ta thử xem cái mâu thuẫn phát triển thành xung đột trong kịch Vũ Như Tô ứng hợp như thế nào với yêu cầu vừa được nêu của mĩ học thế giới về mâu thuẫn bi kịch.
Trước hết, cần nói đến vai trò quan trọng của sử liệu (“có bột mới gột nên hồ”). Lịch sử Việt Nam đã cung cấp cho một nhà văn có Tây học(3), lại chuyên cần tìm hiểu quá khứ dân tộc, mong tìm ra ở đấy chìa khóa để đoán định tương lai, một sự tích mà bản thân nó tiềm ẩn khả năng trở thành hạt nhân của một bi kịch nhân loại. Câu chuyện Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Ðài cho vua Lê Tương Dực, như nó được kể trong Ðại Việt sử ký và Việt Sử thông giám cương mục, với cái chết oan khốc của người thợ có tài bên cạnh công trình bỏ dở gây cho mọi người đọc có tầm nhìn rộng hơn các sử gia Nho giáo ấn tượng một thảm kịch nhân sinh đau xót và chua chát. Nguyễn Huy Tưởng cấu tạo tình huống bi kịch bằng cách phóng đại đến mức khổng lổ, đến mức huyền thoại tầm cỡ nhân vật chính, song vẫn tái tạo khá trung thành hoàn cảnh lịch sử – xã hội mà trong đó nó sống và hành động. Người thợ có tài trong lịch sử trong kịch bản trở thành một thiên tài “ngàn năm chưa dễ có một” (lời của quan thượng thư bộ công Lê An có trọng lượng đặc biệt!), một kiến trúc sư “sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”, một họa sĩ “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công”, một nhà điêu khắc “có hoa tay tuyệt thế, chạm trổ, nạm đục… không kém đường gì”. Bằng nhiều phương tiện và thủ pháp, ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng khiến chúng ta tin vào thiên tài của Vũ Như Tô và một khi đã tin thì chia sẻ đến cùng khát vọng sáng tạo của nhân vật này, bởi lẽ đối với thiên tài không sáng tạo đồng nghĩa với chết. Và nguyên nhân sâu xa của bi kịch là ở chỗ người nghệ sĩ tài trời này không có điều kiện lao động sáng tạo, không thể thi thố tài năng. Con người ấp ủ tham vọng thi sức đua tài với Thượng Ðế sáng thế (“tranh tinh xảo với Hóa công”, lời của chính Vũ Như Tô!), con người tự tin đủ sức xây cất những công trình còn hoành tráng nguy nga hơn mọi kỳ quan mà chàng đã thấy tận mắt ở Trung Quốc, Chiêm Thành, ấn Ðộ, bị lịch sử dân tộc kết án chung thân làm một thợ thủ công vô danh tiểu tốt. ý “nghệ sĩ sinh bất phùng thời” đã được một hai nhà nghiên cứu đưa ra để cắt nghĩa bi kịch của Vũ Như Tô là hoàn toàn đúng, có điều chữ “thời” ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng, theo nghĩa “thời đại lớn” chứ không phải “thời đại nhỏ”, không phải triều đại của một ông vua nào cụ thể, mà là nhiều thế kỷ nối tiếp của lịch sử nước nhà.
Trong kịch bản, chính Vũ Như Tô nhắc đến Lê Thánh Tông, ai oán vì sao mình phải xây dựng điện đài cho hôn quân bạo chúa Lê Tương Dực chứ không phải cho vị hoàng đế hiền minh đã quá cố này. Ai oán thì cứ ai oán, nhưng nhân vật này (và tất nhiên cả tác giả của nó) thừa biết là chỉ Lê Tương Dực, chứ Lê Thánh Tông thì sẽ không bao giờ ra lệnh xây Cửu Trùng Ðài. Là ông vua sùng đạo Nho, tâm niệm lời dạy của thánh hiền, nhớ gương tầy liếp của Kiệt – Trụ (trong kịch bản, Kiệt – Trụ được Trịnh Duy Sản gọi tên, hòng cảnh tỉnh Lê Tương Dực), Hồng Ðức không ăn chơi xa xỉ, không nghĩ đến chuyện xây cung điện nguy nga chín tầng trăm nóc làm hao tổn ngân khố, thiệt hại tài sản và tính mạng của dân, để dân oán giận và có thể nổi dậy lật đổ ông. Ðộc tôn Khổng – Nho và bài Phật, bài Lão, Lê Thánh Tông cũng sẽ không cho xây đền chùa miếu mạo với quy mô to lớn như thời Lý – Trần; thành thử nếu họ Vũ sống dưới triều Lê Thánh Tông thì cũng sẽ không có việc làm. Chính sách trọng sĩ, khuyến nông, khống chế công thương mà Vũ Như Tô tố cáo trong kịch bản, bắt đầu đâu phải từ Lê Tương Dực, mà từ xa xưa hơn nhiều. Không gặp Lê Tương Dực, bi kịch có xảy ra với Vũ Như Tô hay không? Vẫn cứ xảy ra, nhưng một cách lặng lẽ, âm thầm, sử sách không ghi lại. Vũ Như Tô sẽ tất yếu phải chôn vùi tài năng cùng với những cao vọng sáng tạo của mình để hoặc vui vầy với nhà tranh vách đất, với củ khoai củ sắn, như Thị Nhiên, vợ chàng, hoặc nếu không chịu đựng được cuộc sống thực vật ấy thì tìm cách tự kết liễu cuộc đời mình, như bao nhiêu người tài bất đắc chí vẫn làm ở mọi châu lục và mọi thời đại.
Ta tiến gần đến cốt lõi của xung đột bi kịch trong vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng. Vũ Như Tô, nghệ sĩ tài trời đã ngoại tứ tuần (tuổi của nhân vật được nhắc đi nhắc lại trong kịch bản kiệm lời) mà chưa làm nên sự nghiệp gì, đứng trước ngã rẽ của hai con đường, mỗi đường oan nghiệt theo một kiểu: hoặc chối từ thiên chức của mình, tức là tự sát, hoặc tuân lệnh Lê Tương Dực và mượn tay Lê Tương Dực để thực hiện mộng lớn sáng tạo, nhưng như thế là sẽ tất yếu gieo rắc thêm nhiều tai họa cho quần chúng nhân dân không có công trình Cửu Trùng Ðài đã quá khốn khổ vì bị áp bức, bóc lột, ức hiếp trăm đường. Quyền lợi của quần chúng nhân dân được tác giả kịch bênh vực bằng những phương tiện nghệ thuật đầy thuyết phục, không thể đặt chúng xuống dưới phạm trù “cái nhất thời” mà có thể không day dứt lắm hy sinh cho “cái vĩnh cửu”. Và khi họ Vũ chọn con đường xây Cửu Trùng Ðài, y ý thức rất rõ những gì phải làm để đạt đích. Y đòi vua cho y “toàn quyền làm việc, kẻ nào trái lệnh chém bêu đầu”. Công trình với năm vạn thợ bên trong và mười vạn thợ bên ngoài được so sánh với cuộc chiến tranh với nước ngoài. Cái quyền sống của nhân dân bị hy sinh không thương tiếc trong cuộc chiến ấy được phát lên thành lời nhiều lần và từ nhiều miệng: từ miệng Trịnh Duy Sản ở hồi 2 (Trịnh Duy Sản trong kịch bản là một quan võ thô bạo và hủ nho, nhưng can đảm, chính trực, lo lắng cho lợi ích của nước, của dân, đối lập với gian thần Nguyễn Vũ), từ miệng người thợ đào ngũ và bị đưa đi hành quyết ở hồi 3, rồi tế nhị từ miệng Thị Nhiên ở hồi 4 và sỗ sàng hể hả từ miệng những người lính nổi loạn ở hồi cuối, trước lúc hạ màn. Ðiệp khúc nguyền rủa Cửu Trùng Ðài vang lên song song với điệp khúc ngưỡng vọng Cửu Trùng Ðài trong tổng phổ phức điệu của kịch Vũ Như Tô. Bản nhạc lạ tai, nhưng đầy hấp dẫn của nó được kết cấu chủ yếu bằng phối hợp đối âm, trong thế cân bằng uyển chuyển và căng thẳng, hai bè hợp xướng thuận nghịch, không để bè nào lấn át bè nào.
Như vậy, hai lực đối kháng và đồng đẳng xung đột quyết liệt trong tác phẩm bi kịch hoàn chỉnh một cách cổ điển của Nguyễn Huy Tưởng: Nghệ Sĩ và Nhân Dân. Nghệ Sĩ mượn tay vương quyền khẳng định bằng việc làm thiên tài sáng tạo của mình, không đếm xỉa đến mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của nhân dân. Nhân Dân, không chấp nhận sự áp đặt giá trị với những đòi hỏi hy sinh từ phía Nghệ Sĩ, nổi dậy tiêu diệt Nghệ Sĩ và công trình kỳ quan của y. Nếu quan niệm hoạt động sáng tạo là sự thực hiện mệnh lệnh của cái Ðẹp và việc bảo vệ quyền sống và các quyền chính đáng khác của con người là sự thực hiện mệnh lệnh của cái Thiện, thì trước chúng ta là cuộc xung đột khốc liệt giữa cái Ðẹp và cái Thiện, cuộc xung đột có ý nghĩa lịch sử nhân loại ấy nhà văn Việt Nam Nguyễn Huy Tưởng đã khắc họa, bây giờ đã có thể khẳng định, một cách trường cửu, vào gần giữa thế kỷ XX. Kết cục của vở kịch mang tính bi kịch bởi vì đã băng hoại những giá trị lớn: một nghìn năm nữa nhân dân mới có thể sản sinh ra một Vũ Như Tô mới, nhiều công trình kỳ vĩ có thể được xây cất, nhưng không phải Cửu Trùng Ðài tuyệt diễm mà chỉ Vũ Như Tô mới có thể làm nên. Nhưng ta thử giả định một kết cục khác: Cửu Trùng Ðài hoàn thành, nhưng lúc ấy sẽ không còn người nào, trừ Vũ Như Tô và Ðan Thiềm, để thưởng ngoạn nó, bởi lẽ những Lê Tương Dực với lũ cung nữ với những Nguyễn Vũ đâu phải là người…
Chúng tôi cố tình cường điệu để bày tỏ sự không tán đồng những ý kiến biểu dương quá mức động cơ phụng sự dân tộc, làm vẻ vang cho đất nước ở nhân vật Vũ Như Tô. Ðộng cơ này có thực, chính Vũ Như Tô nói ra nhiều lần, lại được Ðan Thiềm hết sức cổ vũ, nhưng theo chúng tôi nó là thứ yếu: nó phối sinh từ khát vọng sáng tạo của nhà kiến trúc sư thiên tài này và là một lập luận biện hộ cho những hy sinh vật chất và tính mạng mà công trình Cửu Trùng Ðài đòi hỏi ở quần chúng nhân dân. Trong thâm tâm, Vũ Như Tô biết y xây cung điện chín tầng trăm nóc trước hết cho mình, để thể hiện cái tài của mình. Y nói thẳng với Lê Tương Dực: “Xây Ðài Cửu Trùng, vì hoàng thượng thì ít, mà vì tiện nhân thì nhiều”. Họ Vũ muốn thi đua với những người thợ xây của các nước khác, muốn chứng minh thợ Việt tài giỏi không kém và có khi còn hơn họ, điều đó dễ thông cảm và ủng hộ, nhưng thiết nghĩ từ đó không nên ngoại suy rằng việc xây Cửu Trùng Ðài phục vụ “quyền lợi dân tộc”, mà quyền lợi dân tộc, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể ấy, lại mâu thuẫn với “quyền lợi nhân dân”, và đấy là nguồn gốc bi kịch của Vũ Như Tô(4). Sự ngoại suy tư biện như thế, theo chúng tôi, không ăn khớp với hiện thực tác phẩm và làm giảm ý nghĩa nhân loại của nó. Nhân vật được huyền thoại hóa của Nguyễn Huy Tưởng, như đã nói, muốn thi tài ngay cả với Hóa công cơ mà! Trong ý thức của con người dám đọ sức với Trời, dân tộc nhiều nhất chỉ là một thực thể đồng đẳng. Mà trong thực tại, xin nói hơi lạc đề, thiên tài ở cấp cao nhất cũng đồng đẳng với dân tộc và có khi cao hơn: Homère là cha chứ không phải con của văn minh Hy Lạp, Shakespeare và Goethe là hiện thân tinh thần của nước Anh và nước Ðức, không có Tolstoi và Dostoievski thì không có nước Nga, như chính người Nga khẳng định…
Cửu Trùng Ðài, mà đồ án Vũ Như Tô áp đặt cho vua Lê Tương Dực, không cho sửa đổi một tí gì, theo ý tưởng của người thiết kế, là tác phẩm của cái Ðẹp thuần túy, cái Ðẹp “vô ích”, nó muốn đứng trên mọi lợi ích thiết thực, lợi ích thấy được của cả nhân dân lẫn dân tộc. Chuyện An Dương Vương xây thành ốc được gợi nhớ trong kịch bản để làm cái phông tương phản cho công trình Cửu Trùng Ðài. “Vua Thục đắp thành để giữ nước, còn ta xây thành cho vua chơi”(5) – những người trợ thủ gần gũi nhất nói thẳng với tổng công trình sư ở điểm cao trào của hành động kịch (hồi 3, lớp 3). Và sau đó thái tử Chiêm Thành – nhân vật không liên quan đến hành động kịch – xuất hiện trên sân khấu để một lần nữa nhấn mạnh về tính quá ư không thiết yếu, tính xa xỉ nguy hại cho quốc gia, dân tộc của những công trình như Cửu Trùng Ðài. Thế nhưng vì sao khi dân chúng và binh sĩ nổi dậy đốt Cửu Trùng Ðài, giết Vũ Như Tô, chúng ta lại đau xót đến thế? Hay là bởi vì không có cái đẹp vô ích, cái đẹp xa xỉ thì quốc gia, dân tộc, nhân dân, con người cũng không sống được?
II – Nhân vật bi kịch
Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, cũng như những nhân vật chính, còn gọi là nhân vật anh hùng (héros) của bi kịch, là một con người quá khổ, ta muốn nhận biết nó thì phải đo nó bằng cái thước của nó, chứ không phải của ta.
Vũ Như Tô, cũng như Hamlet, như Coriolanus, như vua Lia (Lear), không phải là người tốt theo nghĩa thông thường. Con người tốt bụng, con người hiền từ hay mềm yếu, mà sự mềm yếu là “phản chỉ định” đối với nhân vật bi kịch. Con người hiền từ yếu đuối, thụ động hứng chịu, quằn quại rên xiết dưới những đòn đánh không hiểu nổi của số phận là đối tượng của kịch mêlô (mélodrame) ở châu Âu, kịch cải lương ở ta. Vũ Như Tô, nhân vật bi kịch, chủ động vùng dậy chống lại số phận, không đợi nó đánh mình, thách thức số phận xây Cửu Trùng Ðài.
Nguyên nhân, lực đẩy của tính chủ động cao độ ấy ở nhân vật bi kịch là niềm say mê (passion), trong trường hợp Vũ Như Tô là say mê sáng tạo. Niềm say mê ấy như là thuốc súng, như là ét-xăng nằm sẵn bên trong nhân vật bi kịch, chỉ chờ được châm để nổ cháy. Trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng, người châm cho say mê nơi Vũ Như Tô bốc lửa là Ðan Thiềm (điểm thắt nút của kịch). Không phải Ðan Thiềm đã thuyết phục hay dụ dỗ họ Vũ xây Cửu Trùng Ðài, khát vọng xây Cửu Trùng Ðài sục sôi sẵn trong Vũ Như Tô, chỉ cần một lời khích lệ từ bên ngoài là nó chuyển hóa thành hành động. Bản đồ Cửu Trùng Ðài đã được vẽ sẵn, mọi tính toán kinh tế – kỹ thuật đã được hoàn tất trước khi nhà kiến trúc sư thiên tài gặp mỹ nữ có tâm hồn. Mối băn khoăn xuất phát từ lương tâm kẻ sĩ (bây giờ ta gọi là lương tâm công dân) về việc phục vụ cho hôn quân bạo chúa, đi ngược lại quyền lợi của quần chúng nhân dân, mà chính họ Vũ với vợ con và bạn bè đồng nghiệp là thành phần, được tháo gỡ rất dễ dàng mà không làm giảm sức thuyết phục nghệ thuật của nhân vật và của cả tác phẩm. Từ giây phút ấy, ngọn lửa đam mê cứ thế mà cháy, càng gặp trở ngại càng cháy cao. Vũ Như Tô, mượn tay Lê Tương Dực cuồng bạo, hành động hối hả và quyết liệt, lo sợ công trình của mình sẽ không hoàn thành. Trong sử liệu, Cửu Trùng Ðài xây từ năm này sang năm khác, thời gian của bi kịch được thu rút lại trong vòng 10 tháng. Người thợ cả đôn hậu trong đời thường không ngần ngại giết hết tất cả những ai chống lại công trình của y. Trong y, không có chỗ cho những băn khoăn trăn trở về cái giá mà nhân dân phải trả cho tác phẩm nghệ thuật tuyệt mĩ của y. Bao nhiêu công của phải đổ vào, bao nhiêu tính mạng phải hy sinh cũng đều là hợp đích trong con mắt người nghệ sĩ bị ám ảnh bởi đồ án lý tưởng của mình. Một trong những lớp kịch hay nhất (hồi 4, lớp 1): Vũ Như Tô gặp vợ lần cuối cùng, Thị Nhiên kể cho chồng về cảnh đói kém, mất mùa, giặc nổi lên như châu chấu ở quê nhà, con cái ốm đau quặt quẹo không được cha chăm nom… Họ Vũ, đã què chân vì ngã từ nóc xuống, nghe mà không nghe thấy, toàn bộ tâm trí bị cuốn hút bởi cảnh quan tráng lệ của Cửu Trùng Ðài. “Khi con người ở trong nghệ thuật, nó vắng mặt ở trong cuộc sống, và ngược lại”(6) – đó là trạng thái bi kịch (theo nghĩa triết học) muôn thuở của nhân sinh, được phản ánh cả ở trong vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng. Ðối với Vũ Như Tô, Cửu Trùng Ðài quý hơn tính mạng của chàng, cái đó thật đáng yêu và đáng phục. Nhưng Cửu Trùng Ðài còn quý hơn hạnh phúc và sự sống của hàng trăm, hàng ngàn con người khác, cái đó thì lại đáng sợ rồi. Theo đuổi cái đẹp thuần túy, biến nó không những thành giá trị tự thân, mà còn thành thần tượng độc tôn, người nghệ sĩ thiên tài đã phạm tội trước nhân dân, trước nhân loại, trước sự sống. Cái chết của Vũ Như Tô, xét từ một góc độ xác định, là hợp lý, là xứng đáng. Ðó là cái chết chuộc tội, mặc dù nhân vật kịch không ý thức được điều đó.
III – Tội lỗi bi kịch
Như chúng ta biết, tội lỗi bi kịch là một khái niệm mấu chốt trong lý thuyết bi kịch. Không có tội lỗi bi kịch, cũng như không có xung đột bi kịch thì không có tác phẩm bi kịch. Nhưng tội lỗi bi kịch khác những kiểu tội lỗi khác ở chỗ nào? Hơn hai ngàn năm sau Thi pháp học của Aristote, triết gia và nhà văn hiện sinh chủ nghĩa tiền khu Kierkegaard khẳng định: “Nếu con người hoàn toàn vô tội, bi kịch mất hết lý thú, bởi vì sẽ mất đi sức mạnh của xung đột bi kịch; mặt khác, nếu nhân vật tự nó có lỗi hoàn toàn, thì nó sẽ không thể khiến ta quan tâm, xét từ quan điểm bi kịch”(7). Có nghĩa là nhân vật bi kịch phải vừa có tội, lại vừa không có tội (đây là điểm khu biệt bi kịch với kịch anh hùng, ở ta là kịch tuồng, trong đó những nhân vật anh hùng chính trực một trăm phần trăm đấu tranh với những nhân vật gian ác hèn hạ cũng một trăm phần trăm). Các nhân vật bi kịch điển hình trên kịch trường (và sau này cả trong tiểu thuyết) thế giới đều là như thế. Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, như chúng tôi đã cố gắng chứng minh, cũng là nhân vật như thế, cũng vừa có tội, mà tội lớn, lại vừa không có tội, hay là, như một trong những nhà phê bình đầu tiên ở ta bình về tác phẩm này nói theo lối nói điển hình Việt Nam, “có chỗ đáng giận, có điều đáng thương”(8). Cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên là, sáng tác xong vở kịch, tác giả thấy cần phải viết thêm mấy dòng Ðề tựa nổi tiếng, trong đó nhắc lại hai lần: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải?” Câu hỏi này, theo chúng tôi, không thể hiện sự hạn chế về tư tưởng của tác giả, mà nó chứng tỏ rằng tác giả, có thể chỉ bằng trực giác sáng tạo, cảm nhận rất rõ cái bản chất bi kịch của trước tác của mình. Bi kịch, thể loại lớn của văn học và sân khấu, bao giờ cũng đặt độc giả và khán giả trước những câu rất phức tạp, hóc búa và nhức nhối của cuộc sống. Những câu hỏi ấy không chờ đợi những giải đáp vội vã, dễ dãi, đơn giản. Cho nên thiết nghĩ cũng không nên vì cảm thông và mến yêu Vũ Như Tô mà gọi tội của nhân vật này là “tội thiêng liêng”(9). Như thế từ “thiêng liêng” bị mất nghĩa, mà tính chất của cái tội ở nhân vật vừa đáng yêu, vừa đáng sợ này lại không được thâu tóm.
Ðể làm sáng tỏ hơn cái tội bi kịch của Vũ Như Tô, xin được đi sâu một chút vào lịch sử khái niệm này. Bi kịch, như chúng ta biết, ra đời ở Hy Lạp cổ đại và liên quan mật thiết với tôn giáo và minh triết của dân tộc này. Người Hy Lạp thờ nhiều thần linh, mà mỗi thần hiện thân cho một sức mạnh bản thể nào đó. Tôn giáo Hy Lạp đòi hỏi sùng kính tất cả các thần, không được coi thường một thần nào. Trong bi kịch rất nổi tiếng Hippolyte của Euripide, chàng trai thủ tiết Hippolyte, vì chỉ tôn sùng thần trinh nữ Artémis và khinh rẻ nữ thần Aphrodite mà đã bị Aphrodite trừng phạt, truyền cho Phèdre, mẹ kế của Hippolyte, tình yêu điên rồ đối với chàng; tình yêu ấy cuối cùng đã giết chết Hippolyte. Tội bi kịch của Hippolyte là đã ái mộ chỉ một Artémis (sự trinh tiết) và rẻ rúng Aphrodite (tình yêu). Nếu dịch ra ngôn ngữ khái niệm của xã hội thế tục hóa hiện đại, thì Hippolyte đã đề cao quá mức một giá trị của nhân sinh và coi thường quá mức một giá trị khác. Ðây là một trong những kiểu lầm lỗi cơ bản của con người và loài người, trong văn học được thâu tóm bằng phạm trù tội lỗi bi kịch(10). Mọi say mê của con người, nhất là những say mê chính đáng, cao thượng, giàu tính nhân văn, càng nồng cháy bao nhiêu thì càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ này bấy nhiêu. Có thể tranh luận cái này có thuộc về bản chất bất hoàn hảo không thay đổi của con người hay không (hệ quả của “tội lỗi tổ tông”, theo tư duy thần học), nhưng rõ ràng lỗi lầm bi kịch có tính phổ biến, tính toàn nhân loại. Lỗi lầm của Vũ Như Tô trong kịch Nguyễn Huy Tưởng là như thế. Chàng rất cao thượng trong khát vọng và ý chí sáng tạo của mình, nhưng chàng đã độc tôn cái Ðẹp nghệ thuật, đặt nó lên trên mọi giá trị cơ bản khác, tuân thủ chỉ một mệnh lệnh của cái Ðẹp và dửng dưng với mệnh lệnh của cái Thiện. Ðây là cốt lõi của cái lỗi bi kịch ở nhân vật anh hùng này.
Trong Nhật ký tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng, ta bắt gặp một ý kỳ lạ, ghi ngày 23-2-1932, lúc nhà văn tương lai chưa đầy hai mươi tuổi; nó như báo trước cái nút khó tháo của những vấn đề triết lý của kịch Vũ Như Tô: “Cái đẹp do ở sự giai cấp bất bình đẳng, cái sướng do ở sự giai cấp bình đẳng”(11). “Cái sướng” ở đây có lẽ chỉ hạnh phúc, mà hạnh phúc chung, hạnh phúc ấy chỉ có thể đạt được khi thực hiện bình đẳng giai cấp – một mệnh lệnh cơ bản của cái Thiện. Nhưng được cái Thiện thì lại mất cái Ðẹp gắn liền với bất công xã hội, bất bình đẳng giai cấp (tư tưởng này khá uyên thâm, xin trở lại với nó sau). Phải chọn một trong hai cái, và Vũ Như Tô, nhân vật ra đời mười năm sau những dòng viết trên, đã dứt khoát và quyết liệt chọn cái Ðẹp.
Cho đến giờ, chúng tôi mới chỉ nói đến lỗi lầm của nhân vật số một (protagoniste), nhưng trong bi kịch còn có nhân vật số hai, đối kháng (antagoniste) – quần chúng nhân dân. Quần chúng nhân dân cụ thể, chứ không trừu tượng ấy, trong lịch sử và trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng đã chọn không suy nghĩ đắn đo chỉ một cái Thiện như họ hiểu nó, và chà đạp, hạ nhục không thương tiếc cái Ðẹp. Nhân vật đối kháng tập thể, cũng hệt như nhân vật nguyên khởi, đã phạm tội lỗi bi kịch. Trong bi kịch thực thụ không có người chiến thắng. Tính cao cả đặc biệt của nó là ở chỗ ấy.
IV – Hiệu ứng bi kịch
Ai ai cũng biết giới thuyết của Aristote về hiệu ứng tâm lý của bi kịch: nó gây sợ hãi và xót thương. Nhưng cái đó chưa đủ và không phải là cái chính. Hành động bi kịch phải dẫn đến sự thanh tẩy (catharsis) những cảm xúc ấy. Sự thanh tẩy này đạt được bằng và nhờ sự giác ngộ cái lẽ sâu kín của những khổ đau bất hạnh đã đến với các nhân vật kịch. Ðây cũng là điểm quan trọng khu biệt bi kịch với kịch mêlo hay kịch cải lương. ở những thể loại này, hiệu ứng xót thương đến trào nước mắt, đến ngất xỉu là đặc trưng và tự đủ. Vũ Như Tô, tác phẩm bi kịch, không làm ta rơi nước mắt, nhưng nó bắt ta suy ngẫm về cái lẽ, cái nghĩa sâu xa của những gì ta đã đọc hoặc đã thấy (trên sân khấu). Ðó là hiệu ứng catharsis chậm.
Có những bi kịch có dụng ý giúp đỡ độc giả hay khán giả thực hiện catharsis bằng cách để cho các nhân vật, ở điểm tháo nút, tự giác ngộ ý nghĩa của những gì đã xảy ra (thí dụ, Oedipe làm vua hay Othello). Nhưng đa số các tác phẩm bi kịch phó thác nhiệm vụ ấy cho người đọc, người xem. Vũ Như Tô thuộc loại thứ hai. Cho đến phút bị chém đầu, nhân vật anh hùng này vẫn đinh ninh: toàn bộ chân lý và lẽ phải thuộc về một mình chàng với Ðan Thiềm, toàn bộ tội tầy trời thuộc về “đảng ác” đã đốt phá Cửu Trùng Ðài. Mặt khác, dân chúng, binh sĩ nổi loạn cũng chỉ biết hả hê là đã loại trừ được nguyên nhân trực tiếp của những tai họa của họ. Nhưng toàn bộ hành động kịch khiến chúng ta, sau những phút giây xúc động mạnh, suy nghĩ dai dẳng theo nhiều hướng, cố tìm tới cái catharsis không thể thiếu được. Xin phác thảo một vài hướng suy nghĩ của cá nhân, mong được trao đổi với các đồng nghiệp.
Chúng ta, những con người, luôn luôn lầm lạc trong hành động lẫn tư duy. Ðề cao cái Chân, cái Thiện, cái Ðẹp như những giá trị cao nhất của nhân sinh (thực ra, còn nhiều giá trị tuyệt đối khác: cái Thiêng, Tình yêu, Tự do…), chúng ta, bị câu thúc bởi thực tiễn xã hội và bị chi phối bởi kiểu tư duy trừu tượng hóa, chủ biệt chứ không chủ toàn ngày càng thống ngự đời sống tinh thần của loài người, rất dễ xem chúng như những giá trị độc lập, có thể tồn tại riêng biệt, cái này không có cái kia vẫn được. Từ đấy mà ta lại càng dễ hy sinh, dễ thí giá trị này cho giá trị kia. Trong khi ấy trong cuộc sống lý tưởng, tức là cuộc sống duy nhất xứng đáng với con người, mọi giá trị phải tồn tại viên mãn, không lấn át mà nâng đỡ, bổ sung hài hòa cho nhau. Bi kịch của Nguyễn Huy Tưởng nhắc nhở chúng ta về mối họa lớn của sự tách rời và đối nghịch hóa các giá trị. Nó chứng minh đầy thuyết phục rằng cái Ðẹp tự sát, khi nó nhảy múa trên thân thể quằn quại của cái Thiện, nhưng giết cái Ðẹp vì cái Thiện cũng là giết luôn cả cái Thiện.
Trên đây chúng tôi vừa dẫn một tư tưởng tổng kết rất cô đúc của Nguyễn Huy Tưởng: “Cái đẹp do ở sự giai cấp bất bình đẳng…” Như chúng tôi hiểu, ý nhà văn muốn nói, cái đẹp nhân tạo (không phải cái đẹp thiên tạo) ra đời trong xã hội bất bình đẳng và luôn luôn phục vụ cho những giai cấp thống trị, bị những giai cấp ấy chiếm hữu. Ðây quả là mâu thuẫn cơ bản và bi kịch của cả văn minh loài người, và chính kịch Vũ Như Tô phản ánh một cách nổi bật mâu thuẫn ấy. Mâu thuẫn này nhiều khi trở nên gay cấn đến nỗi một thiên tài sáng tạo đúng là “ngàn năm chưa dễ có một” như L. Tolstoi (mà Nguyễn Huy Tưởng rất ái mộ), đã cương quyết chối từ cả cái Ðẹp lẫn toàn bộ văn hóa, văn minh, kêu gọi loài người trở lại và tự ông cũng cố trở lại với cuộc sống tự nhiên, mộc mạc của những con người làm ruộng chân lấm tay bùn – cái cuộc sống mà trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng, Thị Nhiên (chỉ một cái tên của nữ nhân vật này đã là một sáng tạo đáng phục!) kêu gọi Vũ Như Tô trở về. Nhưng nhân loại đã không nghe theo một trong những người thầy đáng kính đáng yêu nhất của nó. (Có thể một phần bởi lẽ ông thầy này, cũng như nhiều ông thầy lớn khác, muốn trở thành vị thầy duy nhất). Nó đã không chối từ những giá trị siêu đẳng, chỉ vì chúng đương bị một thiểu số không xứng đáng chiếm giữ, để thỏa mãn với chỉ những giá trị sơ đẳng, vừa tầm với tuyệt đại đa số. Bởi vì hàng trăm hàng ngàn đình làng mà Thị Nhiên nhắc đến không thay thế được một Cửu Trùng Ðài. Nhưng quan hệ giữa cái siêu đẳng và cái sơ đẳng trong văn hóa là tương hỗ, nuôi dưỡng lẫn nhau. Không có cái siêu đẳng, cái sơ đẳng càng quảng bá càng trở nên thô kệch. Nhưng cắt đứt quan hệ với cái sơ đẳng (“cái tự nhiên” hay là “đất” của văn hóa), cái siêu đẳng tự làm cho mình mất đi nhựa sống. Bệnh Ðan Thiềm trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng (không phải trong lời Ðề tựa!) là bệnh khát khao và quý giá chỉ một cái đẹp siêu đẳng. Cái đó có thể châm chước cho nàng, nhưng nếu họ Vũ chỉ say đắm Ðan Thiềm và quên hẳn Thị Nhiên, thiên tài của chàng sẽ cạn kiệt.
Một trong những hiệu ứng tâm lý quan trọng nữa của bi kịch là ưu tư bi kịch(12). Bi kịch được viết không phải để truyền cho ta niềm vui sống hay an ủi ta trong những khổ đau, có những thể loại khác phục vụ những nhu cầu ấy. Bi kịch khiến chúng ta lo lắng cho vận mệnh của những giá trị lớn của xã hội và con người. Vũ Như Tô là một tác phẩm như thế. Trong lý thuyết giá trị, người ta phân biệt cấp và lực của giá trị, giữa chúng có thể có độ vênh lớn(13). Những giá trị ở cấp thấp thường có lực lớn (thí dụ sự tồn tại vật chất hoặc những lợi ích vật chất). Càng lên cao, thì các giá trị càng dễ (không phải tất yếu!) yếu đi và rất nhiều khi trở nên khả nghi. Ðó cũng là nghịch lý bi kịch của xã hội loài người. Kịch Nguyễn Huy Tưởng nhắc nhở chúng ta về cái nghịch lý trường tồn ấy. Những giá trị cấp cao muốn tự bảo tồn và tỏa sáng không được quay lưng lại những giá trị cấp thấp, như họ Vũ trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng làm, nhưng phải biết liên thông và liên kết với chúng, mà vẫn không đánh mất bản thân. Ðó là nhiệm vụ rất khó, nhưng tương lai của nền văn minh con người phụ thuộc vào việc giải quyết nhiệm vụ này.
Và, cuối cùng, xin trở lại với mối băn khoăn được nêu trong lời Ðề tựa kịch. “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ðài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? Tháp người Hời nguyên là giống Angkor!” Văn minh Chiêm Thành và văn minh Angkor thuộc số những nền văn minh đã tử vong. Số phận, bí quyết trường tồn hay tử vong của các nền văn minh và các dân tộc là một chủ đề tư tưởng sâu kín của vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng và những suy ngẫm kiên trì, lắng đọng từ thuở thiếu thời cho đến tận lúc qua đời, của ông về số phận của dân tộc chúng ta, so với số phận các dân tộc khác, cho thấy ông thực sự là một Con Người Việt Nam viết hoa. Ông vừa mừng vui cho sự trường tồn của dân tộc, vừa lo lắng cho tiền đồ của nó, tiền đồ ấy, ông nghĩ rất đúng, phụ thuộc vào việc dân tộc có hiện thực hóa được những tiềm năng sáng tạo của mình hay không. Ðây là động cơ mãnh liệt khiến Nguyễn Huy Tưởng viết đi viết lại kịch Vũ Như Tô. Nguyễn Huy Tưởng ghi lại, nhưng không chia sẻ tư tưởng của Trương Tửu về cái Ðạo Việt Nam, mà cốt lõi là “sống trước đã, sáng tạo sau”(14). Bởi lẽ sáng tạo thuộc về nhiệm vụ, thiên chức của từng con người và từng dân tộc. Có thể thực hiện nó dưới nhiều hình thức, không nhất thiết phải bằng những công trình nghệ thuật kỳ vĩ khiến thế giới kinh ngạc. Nhưng nhiệm vụ ấy phải được thực hiện, và không thể coi nó là nhiệm vụ cấp thứ hai, như Trương Tửu làm. Nhìn vào lịch sử, ta thấy có những dân tộc hay những nền văn minh đã suy vong do, trong một giai đoạn nào đó, đã huy động đến vắt kiệt những tiềm lực sáng tạo của mình (văn minh Angkor là thí dụ điển hình). Nhưng, ngay trước mắt chúng ta, một số dân tộc (ở Bắc và Trung Phi) có lịch sử khá lâu đời; họ đương thực hiện – khó nói một cách khác – sự tiêu diệt lẫn nhau và sự tự diệt. Phải chăng bởi vì họ đã không tìm ra con đường giải phóng những tiềm lực sáng tạo của mình, và những tiềm lực ấy chuyển hóa thành những lực hủy hoại? Bi kịch Vũ Như Tô thôi thúc chúng ta suy nghĩ và suy nghĩ…
Một tác phẩm như Vũ Như Tô chỉ có thể ra đời trong thời đại ngày nay, nó là một trong những trái chín sớm của tiến trình văn hóa Việt Nam hội nhập văn hóa thế giới. Chúng tôi đã cố gắng khảo cứu kịch và tiểu thuyết Âu – Mỹ thế kỷ XIX – XX, nhưng chưa tìm ra được tác phẩm nào viết trước những năm 1940 có chủ đề tương tự và đạt sức khái quát lịch sử như trước tác của Nguyễn Huy Tưởng. Nhưng cũng trong những năm mà nhà văn của chúng ta viết đi viết lại vở kịch tâm đắc của mình, bên kia bờ Thái Bình Dương, nhà văn Ðức lưu vong Thomas Mann sáng tác tiểu thuyết – bi kịch Bác sĩ Faustus(15). Nhân vật chính trong tiểu thuyết ấy, nhạc sĩ thiên tài Adrian Leverkuhn, sống trong thời đại, khi mà nghệ thuật đã ngạo nghễ tự khép mình trong tháp ngà của mình, không muốn biết đến những lĩnh vực khác của cuộc sống, khi mà sự cách tân trong nghệ thuật trở thành mục đích tự thân và mệnh lệnh câu thúc mọi văn nghệ sĩ, Adrian Leverkuhn càng quên mình sáng tạo càng cảm thấy cạn kiệt bên trong cảm hứng sáng tạo. Và, bị quỷ dữ cám dỗ, chàng đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ để đổi lấy hai mươi bốn năm sáng tạo đầy hứng khởi, nhưng dưới ngòi bút của chàng chỉ hiện ra những bản nhạc của sự nhạo báng tất cả, sự hủy hoại cuồng say và sự tuyệt vọng giá lạnh… Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và Bác sĩ Faustus của Thomas Mann như gọi nhau từ hai bờ đại dương. Một tác phẩm vừa đòi cho cái Ðẹp nghệ thuật quyền trở thành giá trị tự thân, vừa cảnh báo về mối họa nằm sẵn trong tham vọng của nó muốn đứng lên trên mọi giá trị khác của sinh tồn. Tác phẩm khác phơi bày những hệ quả bi thảm, khi tham vọng đấy được thỏa mãn.
Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6 tháng 5 năm 1912 ở làng Dục Tú, huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Nguyễn Huy Tưởng mất ngày 25 tháng 7 năm 1960 tại Hà Nội. Năm 1995, Hội Đồng Nhân Dân TP Hà Nội đã đặt tên ông cho một đường phố của thủ đô (bên cạnh phố Nguyễn Tuân, nhà văn và bạn của ông).
Như những người cùng thế hệ, ông sớm tham gia các phong trào và các tổ chức yêu nước. Ông khai thác đề tài lịch sử để viết kịch, tiểu thuyết. Qua đó ông thể hiện lòng yêu nước của một người cầm bút. Trong tác phẩm của mình, NHT đề cao truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Những tác phẩm tiêu biểu của ông là tiểu thuyết lịch sử Đêm hội Long Trì, tiểu thuyết lịch sử An Tư công chúa, kịch lịch sử Cột đồng Mã Viện, kịch ba hồi. Những người ở lại. Ký sự Cao-Lạng. Tác phẩm mang lại danh tiếng cho NHT là kịch lịch sử Vũ Như Tô, tiểu thuyết lịch sử Sống mãi với Thủ đô.
Vũ Như Tô là tác phẩm dày công của Nguyễn Huy Tưởng. Cho tới nay, nhiều bài viết về Nguyễn Huy Tưởng nói chung và kịch Vũ Như Tô nói riêng vẫn ghi niên đại ra đời của tác phẩm này là năm 1941. Tháng 4-1943, Nguyễn Huy Tưởng giới thiệu vở kịch với tạp chí Tri Tân, thì chỉ nửa năm sau, VũNhư Tô của ông bắt đầu được đăng tải. Ngay khi vở kịch còn chưa đi đến kỳ báo cuối cùng thì đầu năm 1944, Nhà xuất bản Anh Hoa của Thái Bá Cơ đề nghị ông cho in sách. Những nhận thức mới về cách mạng và dân tộc, sứ mạng và trách nhiệm của nhà văn đối với nền văn hóa nước nhà mà ông tiếp thu được của đoàn thể, càng thôi thúc ông sửa chữa tác phẩm. Những băn khoăn về vở kịch lúc này được đem ra trao đổi với nhiều bạn bè, đồng nghiệp mà nhiều người đồng thời cũng là đồng chí của ông. Có thể nhắc đến ở đây những người đã góp ý cho vở kịch, được Nguyễn Huy Tưởng ghi lại trong nhật ký: “Đặng Văn Phan nói nếu sửa chữa vài chỗ thì vở kịch có thể rất “vĩ đại” (nhật ký ngày 15-3-1944); “Như Phong khen Vũ Như Tô, nhưng bảo nên cho Vũ ít envolée nữa” (ý nói cho nhân vật Vũ Như Tô bay bổng hơn nữa; nhật ký ngày 24-4-1944). Đặc biệt một người bạn là Nguyễn Trọng Hoàn đã cho ông những ý kiến rất quan trọng: “Phải thêm các nhân vật vào cho linh động: có xô xát, có chiến đấu.Phải tả rõ những tư tưởng tuy không rõ rệt, nhưng đã phôi thai trong óc quần chúng: vì đã có thợ ở trong trường hoạt động” v.v… Từ những ý kiến khen chê đó, đặc biệt là gợi ý đầy “đảng tính” của Nguyễn Trọng Hoàn, Nguyễn Huy Tưởng đã tiếp thu, sàng lọc và dành toàn bộ hai tháng cuối năm 1944 choviệc trước thuật. Vở kịch được phát triển lớn dần, hay mượn lời một nhân vật của chính vở kịch, “công việc thì cứ nở ra”. Nếu như ban đầu, tác giả đặt mục tiêu là sửa lại, thì sau đó, ông quyết định: “Làm lại.
Ngày 20-12-1944, Nguyễn Huy Tưởng thể thở phào nhẹ nhõm: “Sửa xong Cửu trùng đài. Chép lại xong bản thảo, ông giao cho nhà Anh Hoa và được hẹn đến tháng sáu năm sau (1945) sẽ in. Nhưng rồi Nhật đảo chính Pháp và tiếp đến là những ngày tiền khởi nghĩa… Đủ những rối ren khiến cho vở kịch của ông không thể được in. May thay, cái giá phải trả cho sự lựa chọn “vì nghệ thuật” chỉ là nhất thời. Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra triển vọng mới cho những tác phẩm tiến bộ, trong đó có Vũ Như Tô. Ngày 18-6-1946, vở kịch được cấp giấy phép kiểm duyệt. Nhưng trước khi đưa in, ông còn sửa lại một lần nữa, Và kết quả là hơn ba tháng sau, vở kịch được in ra, có dạng như hiện nay. Như vậy, tính từ khi được khởi bút cho đến khi định hình, kịch bản Vũ Như Tô đã làm một cuộc hành trình kéo dài hơn bốn năm, với ba lần được viết đi viết lại. Cách đây vừa tròn sáu mươi năm đúng vào dịp kỷ niệm Tết Độc lập lần thứ hai (tháng 9-1946), vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng được xuất bản.
Kịch kể câu chuyện xảy ra giữa đất Đông Đô-Thăng Long đầu thế kỷ 16.
Lê Tương Dực (1495 – 1516) tên húy là Oanh là vị vua thứ chín của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1509 đến khi bị Trịnh Duy Sản giết hại ngày 7 tháng 4 âm lịch năm 1516.
Lê Oanh sinh ngày 25 tháng 6 năm 1495. Ông là cháu nội của vua Lê Thánh Tông, con thứ hai của Kiến Vương Lê Tân và bà Huy từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Tuyên, người làng Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương (tức Thọ Xuân, Thanh Hoá).
Lê Uy Mục giết hại tông thất, giam cầm Lê Oanh. Lê Oanh đút lót cho người canh cửa bỏ trốn, được đại thần thất sủng là Nguyễn Văn Lang lập làm minh chủ. Tháng 11 năm 1509, Lê Oanh đưa quân về chiếm Đông Kinh (Hà Nội) bắt được và bức Lê Uy Mục tự tử ngày 1 tháng 12 âm lịch năm 1509.
Lê Oanh tự lập làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, Vua Lê Tương Dực chơi bời xa xỉ truỵ lạc, bỏ bê việc nước. Vua sai Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài. Quân dân làm trong mấy năm trời không xong, hao người, tốn của, lòng dân oán trách.
Tình hình rối ren mà vua Lê Tương Dực (Trư Vương: vua lợn) không đếm xỉa đến. Nguyên Quận công là Trịnh Duy Sản nhiều lần can ngăn không được. Trịnh Duy Sản giả mượn tiếng đi đánh giặc, mờ sáng ngày 7 tháng 4 âm lịch năm 1516 đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua Tương Dực.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi:
“Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp, song chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên dẫn đến nguy vong là bởi ở đấy.”
Nhà sử học Trần Trọng Kim nhận xét Nhà Lê thời kỳ sau Lê Túc Tông:
Từ vua Uy Mục (1505-1509,Qủy Vương: say đắm tửu sắc, giết công thần) trở đi thì cơ nghiệp nhà Lê mỗi ngày một suy dần, vì rằng từ đó về sau không có ông vua nào làm được việc nhân chính, và lại thường hay say đắm tửu sắc, làm những điều tàn ác, cho nên thành ra sự giặc giã, thoán đoạt, đến nỗi về sau dẫu có trung hưng lên được, nhưng quyền chính trị vẫn về tay kẻ cường quyền (vua Lê chúa Trịnh)” (trang 268, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, NXB Thanh Hóa, 2006)
Vũ Như Tô là kịch lịch sử 5 hồi viết về một sự kiện lịch sử xảy ra ở Thăng Long năm 1516 – 1517. Vũ Như Tô, một kiến trúc sư thiên tài, bị vua Lê Tương Dực bắt xây Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc. Vốn là một nghệ sĩ chân chính, Vũ Như Tô kiên quyết từ chối. Theo lời khuyên của Đan Thiềm, Vũ Như Tô đã chấp nhận và khởi công xây dựng. Nhưng công việc xây dựng kéo dài gây biết bao tai hoạ cho nhân dân. Lợi dụng tình hình rối ren ấy, Trịnh Duy Sản đã dấy binh nổi loạn giết chết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm. Cửu Trùng Đài bị thiêu huỷ.
Vũ Như Tô khát khao hiến dâng tất cả cho nghệ thuật. Ông đắm chìm trong công việc. Biết tin có bạo loạn, Đan Thiềm hết lời khuyên giục Vũ Như Tô đi trốn. Nhưng ông không nghe vì tin mình “quang minh chính đại”. Tình hình càng nguy kịch: vua bị giết, hoàng hậu, Đông các đại học sĩ tự vẫn. Đám cung nữ bị bắt. Đan Thiềm cũng bị bắt nhưng vẫn hết lời kêu xin Ngô Hạch tha cho Vũ Như Tô, vì “nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm”. Ngô Hạch sai quân lính trói Vũ Như Tô. Đến lúc này Vũ Như Tô vẫn hi vọng An Hoà Hầu sẽ cởi trói để ông xây nốt Cửu Trùng Đài. Khi quân khởi loạn đốt phá Cửu Trùng Đài thì Vũ Như Tô mới tỉnh ngộ. Ông trơ trọi đau đớn vĩnh biệt Cửu Trùng Đài rồi bình thản đi ra pháp trường.
Kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, sau nửa thế kỷ im ắng với những dè dặt, nay kịch này xuất hiện trong Hội thảo khoa học về Nguyễn Huy Tưởng tổ chức tại Viện Văn học tháng 5-1992 và trên sân khấu lần đầu tiên do nhà hát Tuổi trẻ thực hiện trong hội diễn sân khấu toàn quốc 1995. Theo Phạm Vĩnh Cư, hai vấn đề mấu chốt của tác phẩm: hình tượng nhân vật chính Vũ Như Tô và tính chất của mâu thuẫn kịch.
Vũ Như Tô là một ông trùm (nay gọi là tổng công trình sư), là người biết rất rõ sức mạnh hiểu biết của kẻ sĩ:
” Kính sĩ mới đắc sĩ ” ; ” Một ông quan trị dân,với một người thợ giỏi ,….tiện nhân không biết người nào mới đáng gọi là sĩ “;
và điều kiện cần có để kẻ sĩ làm việc:
” Được biệt đãi, có địa vị thì những kẻ tài hoa mới xuất hiện, tranh nhau tô điểm nước non ” (lời của Vũ Như Tô nói với Vua Lê Tương Dực )
Vũ Như Tô tài tới mức: “sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”, một họa sĩ “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa, thần tình biến hóa như cảnh hóa công”, một nhà điêu khắc “có hoa tay tuyệt thế, chạm trổ, nạm đục… không kém đường gì”(Lời quan thượng thư bộ công Lê An)Tại sao Nguyễn Huy Tưởng lại đưa vấn đề này vào kịch? Lịch sử Việt Nam cho thấy, chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm là kẻ sĩ duy nhất được trọng vọng, chứ ông cũng không được trọng dụng. Kẻ sĩ trong suốt chiều dải lịch sử VN chỉ là những người làm theo ý vua. Cởi áo từ quan như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm là những ví dụ hiếm hoi.
Ở đời “khiển tướng không bằng khích tướng”. Nhân vật cung nữ Đan Thiềm, vừa là bạn tri kỷ vừa là người rất hiểu Vũ Như Tô khi nói:
“Đôi mắt thâm quầng này là do những lúc thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét”; “Tài làm lụy ông, cũng như nhan sắc phụ người”; “Sắc vứt đi được nhưng tài phải đem dùng”; “chấp kinh phải tòng quyền”; ..”Nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời”…̣
“Vũ Như Tô say mê sáng tạo. Niềm say mê ấy như là thuốc súng, như là ét-xăng nằm sẵn bên trong nhân vật bi kịch, chỉ chờ được châm để nổ cháy. Trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng, người châm cho say mê nơi Vũ Như Tô bốc lửa là Ðan Thiềm” (lời Phạm Vĩnh Cư). Vốn mang trong mình ý định “tranh tinh xảo với Hóa công”, Vũ Như Tô tự tin đủ sức xây cất những công trình còn hoành tráng nguy nga hơn mọi kỳ quan mà chàng đã thấy tận mắt ở Trung Quốc, Chiêm Thành, Ấn Ðộ.
Phạm Vĩnh Cư rất có lý khi phân tích về nhân vật Vũ Như Tô:
Ở tuổi sung mãn về trí và lực, “nghệ sĩ tài trời đã ngoại tứ tuần đòi vua cho y “toàn quyền làm việc, kẻ nào trái lệnh chém bêu đầu”. Công trình với năm vạn thợ bên trong và mười vạn thợ bên ngoài được so sánh với cuộc chiến tranh với nước ngoài. Cái quyền sống của nhân dân bị hy sinh không thương tiếc.
Ðối với Vũ Như Tô, “Cửu Trùng Ðài quý hơn tính mạng của chàng. Trong y, không có chỗ cho những băn khoăn trăn trở về cái giá mà nhân dân phải trả cho tác phẩm nghệ thuật tuyệt mĩ của y…”
Trong thâm tâm, Vũ Như Tô biết y xây cung điện chín tầng trăm nóc trước hết cho mình, để thể hiện cái tài của mình. Y nói thẳng với Lê Tương Dực: “Xây Ðài Cửu Trùng, vì hoàng thượng thì ít, mà vì tiện nhân thì nhiều”…
“…Vũ Như Tô không làm ta rơi nước mắt, nhưng nó bắt ta suy ngẫm về cái lẽ, cái nghĩa sâu xa của những gì ta đã đọc hoặc đã thấy”(lời Phạm Vĩnh Cư).
Bi kịch trong Vũ Như Tô là mâu thuẩn giữa khát vọng hoàn thành công trình nghệ thuật bằng mọi giá với thực tại khốn cùng của thợ xây dựng, của đường cùng khốn khó của người dân. Vũ Như Tô trở thành “nghệ sĩ sinh bất phùng thời”.
Và kết cục quân thần khởi lọan giết Lê Tương Dực , Vũ Như Tô, Đan Thiềm ; Cửu trùng Đài vừa xây chưa xong, đã bị đốt phá tan hoang.
Lê Tương Dực lệnh xây Cửu Trùng Đài cũng chỉ vì mục đích chơi bời, hưởng lạc thú, không nghĩ tới cảnh ngân khố cạn kiệt, dân chúng bần cùng, nên nhận cái tử nghiệp là hợp lẽ. Vũ Như Tô :” Thôi thế là hết. Dẫn ta đến pháp trường “, vì”Vua Thục đắp thành để giữ nước, còn ta xây thành cho vua chơi”.
Phạm Vĩnh Cư kết luận:
“Một tác phẩm như Vũ Như Tô chỉ có thể ra đời trong thời đại ngày nay, nó là một trong những trái chín sớm của tiến trình văn hóa Việt Nam hội nhập văn hóa thế giới.
Và, cuối cùng, xin trở lại với mối băn khoăn được nêu trong lời Ðề tựa kịch. “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ðài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? Tháp người Hời nguyên là giống Angkor!” Văn minh Chiêm Thành và văn minh Angkor thuộc số những nền văn minh đã tử vong. Số phận, bí quyết trường tồn hay tử vong của các nền văn minh và các dân tộc là một chủ đề tư tưởng sâu kín của vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng và những suy ngẫm kiên trì, lắng đọng từ thuở thiếu thời cho đến tận lúc qua đời, của ông về số phận của dân tộc chúng ta.”
Nếu Vũ Như Tô phải, nếu như Cửu trùng đài hoàn thành. Toàn cảnh không phải là thái bình thịnh trị mà là cảnh lâu đài tráng lệ nơi hoang vu có những kẻ sức cùng lực kiệt vì ngân khố rỗng. Nếu sức và lực cạn kiệt thỉ sự tồn vong của dân tộc là ngàn cân treo trên sợi tóc.
Vũ Như Tô
Người ta bước vào kịch Vũ Như Tô (5) với những câu hỏi: Nhưng còn Cửu Trùng Ðài? Ác mộng hay Nghệ thuật? Vũ Như Tô? Vũ Như Tô là ai? Trí thức hay thị dân? Thầy hay thợ? Vũ là ai mà dám đòi vua phải “kính sĩ mới đắc sĩ”?
Khác với những tác phẩm cổ điển cùng thời, Vũ Như Tô vặn các dấu hỏi lạ lẫm, hỗn hào. Mỗi biến xoán xẩy ra đều đáng nghi, đáng ngại. Không rõ từ đâu đến? Ai là thủ phạm? Ai trách nhiệm? Hoài nghi. Vô trách nhiệm. Ðổ vạ. Mỗi nhân vật nhìn các sự kiện xẩy ra theo chủ quan của mình.
Kịch Vũ Như Tô bầy ra loạn cảnh chính trị và tâm linh của một thời bạo quyền chuyên chế: Không biết ai làm chủ? Dân hay Quân? Thần hay Chúa? Thầy hay Thợ?
“Ai xây một kiểu nhà mới khả quan, thì lập tức kết vào tội lộng hành đem chém. Thành thể ra không ai dám vượt ra khuôn sáo nghìn xưa, nghề kiến trúc đọng lại một vũng ao tù.”
Người có tài không được thi thố đành phải tiến về mặt tiểu xảo. (Sđd, trang 399)
Cách đối đãi như thế thì nhân tài nhiều sao được? (Sđd, trang 400)
Mà ai chịu luyện tập cho thành tài? (Sđd, trang 400)
Thậm chí người ta nói kẻ có tài đã không giúp cho gia đình, còn là một cái vạ nữa. (Sđd, trang 400)
Ấy là thời Lê Tương Dực. Nhưng cũng có thể là bất cứ thời nào mà người tài không được thi thố, nhân tài bị bạc đãi, bị kiểm tra: Có tài còn đem vạ vào thân.
Vũ Như Tô là kẻ vô tư, dám nói thẳng, nói thật, nói toác ra như vậy trong một lộng trường nặng mùi chặt chém.
*
Vũ là kẻ có tài. Vũ không muốn đem tài của mình để phục vụ hôn quân, xây Cửu Trùng Ðài cho bạo chúa dâm hoang, xa xỉ. Vũ Như Tô chọn chết hơn là phụng sự bạo quyền. Khi ấy thì Ðan Thiềm xuất hiện. Cung nhân Ðan Thiềm khuyên Vũ Như Tô phải sống để sáng tạo tác phẩm “để đời”. Bạo quyền chỉ là phương tiện cung cấp dữ liệu thực hiện kiến trúc ngàn năm, làm “rạng ngời” tổ quốc. Vũ Như Tô nghe lời Ðan Thiềm, chịu khuất phục Lê Tương Dực để xây Cửu Trùng Ðài. Kinh phí vô độ. Thợ thuyền và quần chúng ta thán. Thừa dịp nháo nhương, Trịnh Duy Sản xui thợ làm loạn, giết vua. Ðan Thiềm xui Vũ Như Tô trốn để bảo toàn sinh mệnh.
Ðan Thiềm là ai? Nàng chính là bộ óc, là quân sư, là kẻ sĩ nghĩ hộ Vũ Như Tô. Nàng đặt vấn đề ưu tiên: Sống để sáng tác.
Nhưng Ðan Thiềm chưa kịp tra vấn phương tiện thực hiện tác phẩm. Nghệ thuật có thể dựng xây trên xương máu con người hay không? Chắc chắn rằng có. Cung A Phòng, Angkor, Vạn Lý Trường Thành, Tháp Chàm và bao nhiêu kiệt tác kiến trúc trên thế giới chứng minh rằng có. Nhưng cũng chính cái phương tiện đó lại có khả năng quật ngã kẻ dụng nó: Tần diệt, Chàm suy và Chàm diệt.
Tác phẩm nghệ thuật cũng chỉ là ảo ảnh, nó có thể vững như Kim Tự Tháp Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành, mà cũng có thể mong manh hư ảo như Cung A Phòng, như Cửu Trùng Ðài… Nghệ thuật chỉ có giá đối với những trái tim vị và vụ nghệ thuật. Ðối với những kẻ ngoại đạo, nghệ thuật là chuyện vứt đi, bởi nó chưa bao giờ thật sự nuôi sống con người. Nghệ thuật đến từ cái chết. Nghệ thuật vừa là con đẻ, vừa là tác giả của thần chết. Của những đọa đầy. Kẻ sĩ Ðan Thiềm chưa nhìn thấy vũng lầy tha ma của nghệ thuật; nghệ thuật bốc lên từ xác và hồn của nghệ sĩ sáng tạo, từ máu và nước mắt của người thợ thực hành trình đồ sáng tạo. Nhưng con người không thể sống không nghệ thuật, bởi con người chưa bao giờ vượt qua cái chết.
Kẻ sĩ Ðan Thiềm, một phế phận trong cung cấm, nàng “thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét.” Nàng trọng tài, yêu nghệ thuật, muốn bảo toàn sinh mệnh nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật.
Nhưng kẻ sĩ không phải là nhân dân (ở thời kỳ vô sản chuyên chế, thợ thuyền hay giai cấp vô sản có thể đồng nghĩa với nhân dân), cũng không phải là thế quyền. Kẻ sĩ và nghệ sĩ sống vật vờ giữa một quyền lực chính thống (chính quyền) và một quyền lực ngoại thống (quần chúng). Chính thống có thể là kẻ đỡ đầu cho nghệ thuật, mà cũng có thể là kẻ cưỡng hiếp nghệ thuật, còn ngoại thống thì không hiểu nghệ thuật. “Dân chúng nông nổi, dễ sinh tàn ác. Họ không hiểu công việc của ông” Ðan Thiềm nói với Vũ Như Tô.
Vật vờ giữa hai khối nguy: Chính quyền và quần chúng, hai lực đối chất, hai đao phủ của nghệ thuật, Ðan Thiềm đồng bệnh với Nguyễn Huy Tưởng, đồng bệnh với tất cả những người cầm bút trung thực muốn bảo vệ sự sống còn của nghệ thuật và tư tưởng trong một môi trường mà hai đao phủ đều ở thời điểm sung sức, đều hung hăng kịch liệt xung đột lẫn nhau: Thời điểm cách mạng. Bất cứ ở thời điểm cách mạng nào từ xưa đến nay, nghệ thuật cũng là thí điểm: Ðốt phá. Nghệ thuật bị mang ra pháp trường trước tiên, trước vua, trước kẻ phản nghịch. Ðó là nghiệp dĩ của cách mạng: Cách mạng luôn luôn mù quáng và mù chữ. Nước nào kéo dài tình trạng cách mạng càng lâu, nghệ thuật càng bị suy đồi, triệt hạ.
Ðan Thiềm muốn tránh cho nghệ sĩ ngọn giáo cách mạng. Nàng thất bại.
Ðối với các cuộc cách mạng vô sản, những người lao động được nâng lên hàng siêu nhân. Trong thời kỳ đảng Lao Ðộng trị vì miền Bắc, chưa ai dám chất vấn quần chúng thợ thuyền, đưa họ từ bệ thánh trở lại vị trí làm người, với tất cả tính cách bất trắc, tráo trở của một đám đông quần chúng ô hợp.
Kịch Vũ Như Tô, lật bầy tính cách “tráo trở” của quần chúng lao động. Chính Vũ Như Tô là kẻ nửa thầy nửa thợ. Khi thực hiện Cửu Trùng Ðài, Vũ Như Tô đã liên kết với cánh bạn thợ, thành lập một sức mạnh, giúp Vũ thực hiện công trình kiến trúc của mình. Vũ Như Tô xây dựng một đảng lao động, để kiến tạo Cửu Trùng Ðài, đối chất với sức mạnh của bạo quyền Lê Tương Dực. Trong khi làm việc, Vũ Như Tô cho họ hưởng đặc quyền biệt lợi: Chia sẻ những ân huệ vua ban. Nhưng khi có biến, trừ một người độc nhất (phó Cõi) trung thành với Vũ, còn tất cả quay giáo, trở cờ, theo Trịnh Duy Sản, giết vua, tham gia vào việc đốt “kiệt tác” Cửu Trùng Ðài do chính họ xây dựng. Sự “tráo trở” của thợ thuyền ở đây là tất yếu: Bạc như dân. Vấn đề không phải là bôi nhọ quần chúng lao động mà là nhận diện con người trong chiều sâu.
Sự tráo trở của thợ thuyền không ở bản chất, bởi phần đông thợ thuyền thường chất phác, mà ở trình độ: họ không biết cảm nhận tác phẩm nghệ thuật. Không có lập trường. Cả tin. Dễ a dua: Thợ thuyền tập trung dưới sự lãnh đạo của độc tài và dốt nát là một sức mạnh đáng ngại.
Nguyễn Huy Tưởng kín đáo dự báo những phá phách của dốt nát dưới thời “lao động” chuyên chế.
Vũ Như Tô còn là nghệ sĩ. Nghệ sĩ không vào khuôn. Không nhìn trên, nhìn dưới. Không thấy xung quanh. Không thấy xa xỉ. Không thấy xác chết. Vũ vô trách nhiệm. Vũ anarchiste. Vũ sống trong mơ. Vũ chỉ biết một điều duy nhất: Ðam mê nghệ thuật. Ðừng lầm Vũ Như Tô với Ðan Thiềm. Ðan Thiềm là kẻ sĩ. Vũ là nghệ sĩ. Ðừng kết tội nghệ sĩ. Hãy thưởng thức tác phẩm của họ. Nghệ sĩ có thể đốn mạt, có thể bị nguyền rủa. Nhưng kẻ sĩ thì không. Khi một thể chế đòi hỏi nghệ sĩ phải vào khuôn vào phép, ấy là xã hội đi trật đường rầy: Coi nghệ sĩ như chấy rận. Ðem rây ra rây rận. Rận lọt.
Như Ðan Thiềm và Như Tô: Kẻ sĩ và nghệ sĩ luôn luôn tri âm, tri kỷ. Kẻ sĩ bảo hiểm cho nghệ sĩ. Cả hai tạo nên đời sống văn hóa tư tưởng của con người.
Vắng mặt họ, cuộc đời thiếu những giấc mơ.
Nhưng có ai biết rõ sống là cầu mơ hay cầu thực?
II.Trình bày cảm nghĩ về bi kịch nhân vật Vũ Như Tô:
1. Định nghĩa bi kịch:
Hiểu theo nghĩa thông thường là nỗi đau khổ vò xé dai dẳng không có cách nào giải thoát. Nhưng theo từ điển văn học, bi kịch chỉ xảy ra khi có mâu thuẫn giữa khát vọng, hoài bão, lí tưởng của cá nhân với thực tại. Thực tại chưa đủ điều kiện cho cá nhân thực hiện khát vọng, lý tưởng của mình nên rơi vào thất bại, thậm chí dẫn đến cái chết thảm thương.
2.Những nét chính trong bi kịch Vũ Như Tô
a. Hiểu như định nghĩa nói trên, chúng ta thấy bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ có tài và có hoài bão lớn, nhưng không giải quyết được mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và đời sống, đặc biệt là không giải được một cách đúng đắn vấn đề sáng tạo nghệ thuật cho ai và để làm gì.
b. Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài, là hiện thân của niềm khao khát say mê sáng tạo cái đẹp, “là người ngàn năm dễ có một….có thể sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”
c. Vũ Như Tô là một nghệ sĩ lớn có nhân cách cao đẹp, có hoài bão lớn lao, có tư tưởng, lý tưởng nghệ thuật cao cả, ông muốn xây dựng một toà lâu đài vĩ đại “bền như trăng sao” để cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện” ; muốn xây dựng một công trình kiến trúc vĩ đại, tuyệt mĩ, tô điểm cho non sông đất nước. Ông mong muốn cho người đời biết những khát vọng cao đẹp của ông. Đó là ông chỉ có một hoài bão muốn tô điểm cho đất nước, đem hết tài năng ra xây cho nòi giống một toà lâu đài hoa lệ,thách cả những công trình trước sau, tranh tinh xảo với hoá công “để ta xây một Cửu Trùng Đài, dựng một kì công muôn thuở, vài năm nữa Cửu Trùng Đài hoàn thành,cao cả huy hoàng, giữa cõi trần lao lực có một cảnh Bồng Lai…. Đời ta không quý bằng Cửu Trùng Đài”. Hồn ông để cả nơi đấy. Nhìn một cách đơn giản thì mục đích và nguyện vọng của Vũ Như Tô là hết sức cao đẹp. Nó xuất phát từ thiên chức của người nghệ sĩ, từ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Vũ Như Tô vô cùng say mê với mơ ước của mình.
d. Nhưng Vũ Như Tô nào có hiểu được sâu xa, trên thực tế, Cửu Trùng Đài đã xây dựng bằng mồ hôi xương máu của nhân dân và nếu được hoàn thành thì nó cũng chỉ là nơi ăn chơi xa xỉ, sa đoạ của vua chúa, giống như công trình kiến trúc “Vạn Niên” của triều đình Nguyễn sau này : “Vạn niên là vạn niên nào? Thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Như vậy, Vũ Như Tô đã sai lầm khi lợi dụng quyền lực của bạo chúa để thực hiện khát vọng nghệ thuật của mình.Chỉ đứng trên lập trường nghệ sĩ thuần tuý nên đã vô hình chung, trở thành kẻ đối nghịch với nhân dân, gây đau khổ cho nhân dân.
e. Nhân dân căm giận bạo chúa, đồng thời cũng oán trách, nguyền rủa, thậm chí là oán hận kiến trúc sư đầy tài năng Vũ Như Tô và cuối cùng đã giết chết cả tên hôn quan bạo chúa Lê Tương Dực lẫn Vũ Như Tô, đốt cháy cả Cửu Trùng Đài.Vũ Như Tô đúng là một nhân vật bi kịch. Ông không thể nào trả lời câu hỏi “xây dựng Cửu Trùng Đài là đúng hay sai, là có công hay có tội? ”. Là một nghệ sĩ đầy tài năng và giàu sáng tạo, Vũ Như Tô muốn khẳng định tài năng của mình, muốn tô điểm cho đất nước, muốn làm đẹp cho đời, nhưng khát vọng nghệ thuật và đam mê sáng tạo của ông đã đặt lầm nơi lạc chốn, lạc điệu với thời thế, xa rời thực tế, nên đã phải trả giá bằng chính sinh mệnh của bản thân và của cả công trình thấm đẫm mồ hôi tâm não của mình.Thật đau đớn thay, bi kịch thay cho đến khi cuộc nổi loạn nổ ra, Đan Thiềm mặt cắt không còn hột máu, hốt hoảng đến báo cho Vũ Như Tô, nếu không chạy trốn thì ông sẽ bị giết, nhưng Vũ Như Tô vẫn không chịu đi và vẫn day dứt một câu hỏi: “Tôi có tội gì? Tôi làm gì nên tội? Làm gì phải trốn?”. Và vẫn hi vọng thuyết phục được An Hoà Hầu, một kẻ cầm đầu một phe nổi loạn, song sự thực đã diễn ra một cách phũ phàng tàn nhẫn, không như ảo tưởng của Vũ Như Tô. Khi tất cả chỉ là ảo vọng. Đan Thiền và ông bị bắt, Cửu Trùng Đài bị thiêu huỷ thì ông mới bừng tỉnh, ngửa mặt lên trời mà cất lên tiếng than ai oán tuỵệt vọng “Đốt thực rồi! Ôi Đảng ác! Trời ơi! Phú cho ta cái tài để làm gì. Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài! Thôi thế là hết! Dẫn ta đến pháp trường”. Trong tiếng kêu than ấy, tiếng “Đan Thiềm, mộng lớn Cửu Trùng Đài” dồn dập vang lên hoà nhập vào nhau thành khúc ca bi tráng, ai oán, đầy tiếc thương. Đó chính là âm hưởng chủ đạo của đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”.
Kẻ sĩ Thăng Long trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng còn là những nghệ sĩ luôn trăn trở về văn hóa dân tộc.
Người đọc vẫn đánh giá kịch Vũ Như Tô không chỉ là đỉnh cao trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng mà còn là một trong số những kiệt tác của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Vở bi kịch về khát vọng lớn lao của người kiến trúc sư mang khát vọng lớn lao là được sáng tạo, cống hiến cho kinh thành Thăng Long nói riêng, dân tộc Đại Việt nói chung một kỳ quan sánh ngang với thế giới nhưng không thể thực hiện được vì những hạn chế của lịch sử. Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô còn dang dở chính là nỗi niềm đau đáu suốt đời văn của cây bút ý thức đề cao cái Đẹp. Nỗi đau của Vũ là niềm nuối tiếc của chính Nguyễn Huy Tưởng về một sự nghiệp chưa hoàn thành. Vũ Như Tô là một nghệ sĩ, một “kẻ sĩ” đích thực như chàng dõng dạc tự hào trước mặt hôn quân Lê Tương Dực: “… Một ông quan trị dân với một người thợ giỏi, xây dựng nhưng lâu đài tráng quan, điểm xuyết cho đất nước, tiện nhân chưa biết người nào mới đáng gọi là kẻ sĩ…”. Lời của Vũ khẳng định thêm một lần nữa quan niệm kẻ sĩ của Nguyễn Huy Tưởng: người trí thức, người nghệ sĩ chỉ cần có tâm huyết với cuộc đời, đem tài hoa kiến thiết đất nước, giữ gìn và hoàn thiện, hoàn mỹ cuộc đời, dù ở bất kỳ cương vị nào cũng là kẻ sĩ.
Trớ trêu thay, nghệ sĩ say mê đến quên mình để xây dựng những giá trị thẩm mỹ lâu dài cho nhân dân, nâng tầm cho văn hóa dân tộc, nhưng có khi, trong thời điểm lịch sử cụ thể, lại bị chính nhân dân không hiểu, không cần, thậm chí phỉ nhổ, chà đạp, hủy diệt. Lời tựa: “Mải vật lộn quên cả đài cao mộng lớn. Công ông cha hay là nỗi thiệt thòi? … Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải.” chứa đựng câu hỏi lớn cho văn hóa dân tộc. Trí tuệ, tài ba của người Việt được chứng minh trong chiến tranh vệ quốc là không thua kém thế giới, tại sao văn hóa Việt không có nổi một công trình đủ tầm vóc sánh vai năm châu? Phải chăng, là do ý thức manh mún, tầm nhìn hạn hẹp của đại chúng, thậm chí cả những trí thức có vai trò quyết định số phận văn hóa dân tộc? Điều trăn trở của chàng thanh niên Nguyễn Huy Tưởng từ năm 1941 đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Nó khuấy sâu vào tâm thức của kẻ sĩ trong thời hiện đại, kích thích kẻ sĩ một dũng khí như Vũ Như Tô, hi sinh cả bản thân vì mục đích cao cả. Có một thời, Vũ Như Tô bị xem là “kẻ cuồng sĩ”, bi kịch của Vũ là bi kịch của kẻ chết vì tham vọng cá nhân, đặt cái Tôi lên trên quyền lợi quần chúng. Đó không phải là dụng ý của nhà văn khi xây dựng nhân vật này. Vượt lên trên lối tư duy tầm thường ấy, hình ảnh Như Tô, Đan Thiềm là ước vọng của nhà văn về những kẻ sĩ chân chính, có tầm tư duy vượt thời đại, có ước vọng của những “người khổng lồ thời văn hóa Phục Hưng”.